MỘT SỐ HÓA CHẤT THƯỜNG GẶP
- Thạch aga-aga:
Aga-aga (chữ Maylaixia nghĩa là rong) là hỗn hợp chất tách ra từ một số rong biển, thành phần chủ yếu là polisaccarit (70%). Dung dịch 0,5 – 1,5% trong nước sôi, khi nguội đông tụ lại thành thạch aga-aga được dùng trong hóa học, vi sinh học, công nghiệp thực phẩm (làm mứt, kẹo viên…)
- Amiăng:
Là khoáng chất dạng sỏi, có thành phần hóa học là Silicat của magic, canxi và một số kim loại khác. Amiăng bền với axit, chịu nhiệt, có thể kéo thành sợi, dệt vải may quần áo chống cháy, dùng làm vật liệu cách nhiệt, cách điện, vật liệu xây dựng như xi măng amiăng. Hiện nay nhiều nước trên thế giới cấm dùng vì chất này có thể gây bệnh ung thư và bệnh phổi.
- Apatit:
Là khoáng chất chứa photpho có công thức chung là Ca5X(PO4)3 (X là F, Cl hay OH) phổ biến nhất là floapatit. Ở tỉnh Lào Cai nước ta trữ lượng apatit lên tới hàng tỷ tấn, apatit là nguyên liệu chính để sản xuất phân lân, photpho(dùng trong quốc phòng, làm diêm, thuốc trừ sâu), axit photphoric.
- Cao su:
Là vật liệu có tính đàn hồi (đặc tính có thể biến dạng khi chịu lực bên ngoài tác dụng nhưng lại trở lại hình dạng ban đầu khi lực tác dụng không còn). Cao su có thể bị kéo dãn gấp 10 lần chiều dài ban đầu. Tính đàn hồi của cao su là do tính linh hoạt của các phần tử trong mạch polime, nên nếu lực ngoài tác động quá mạnh thì cao su mất hoàn toàn tính đàn hồi. Vào năm 1839, nhà hóa học Mỹ Charles Goodyear đã phát minh ra kỹ thuật lưu hóa cao su có tác dụng làm tăng tính cơ lý của cao su, do đó mở rộng rất nhiều khả năng ứng dụng của nó.
Cao su thiên nhiên là poli-cis-isopren được lấy chủ yếu từ cây cao su (Hevea barasiliensis) được trồng nhiều ở Nam Mỹ. Cây cao su được trồng ở nước ta vào năm 1887 và hiện nay tập trung trồng ở Đông Nam Bộ.
Cao su tổng hợp ( Cao su Buna, cao su Buna-s…) được phát triển mạnh từ chiến tranh thế giới lần thứ II do sự khan hiếm cao su thiên nhiên. Hầu hết các cao su tổng hợp đều là sản phẩm của công nghiệp dầu mỏ.
- Teflon:
Teflon có tên khoa học là politetrafloetilen (-CF2- CF2-)n. Đó là loại polime nhiệt dẻo có tính bền cao với các dung môi và hóa chất, nó bền trong khoảng nhiệt độ từ -190°C đến +300°C, có độ bền kéo cao (245 – 315 kg/cm 3) và đặc biệt có hệ số ma sát rất nhỏ và độ bền rất cao, tới 400ºC mới bắt đầu thăng hoa, không nóng chảy , phân hủy chậm. Teflon bền với môi trường hơn cả vàng và platin, không dẫn nhiệt.
Do có các đặc tính quý đó, Teflon được dùng để chế tạo những chi tiết máy dễ bị mài mòn mà không phải bôi mỡ (vì độ ma sát nhỏ), vỏ cách điện, tráng phủ lên chảo, nồi… để chống dính.
- Chất màu azo:
Từ phenyl amin (aniline) và các arylamin khác, người ta tổng hợp được một loạt (hàng trăm nghìn) chất màu azon làm phẩm nhuộm khác nhau có công thức chung là: Ar-N = N-Ar.
Tùy theo cấu trúc của các gốc aryl (phenyl, naphtyl…) nối với nhóm azo-N = N- mà có được các chất màu azo có màu sắc đỏ, xanh, tím hay vàng khác nhau… đẹp, bền.
Để tổng hợp chất màu azo, người ta cho một arylamin phản ứng với hỗn hợp hai axit HNO2 và HCl ở nhiệt độ từ 0 đến 5°C thành arylamonihalogennua, rồi phản ứng tiếp với một aren hoạt động (aren có nhóm thế loại một). Ngoài hợp chất màu monoazo (có một nhóm azo) còn có thể tổng hợp các chất màu diazo (có hai nhóm azo), triazo (có ba nhóm azo)…
- Saccarin:
Là chất tinh thể không màu có vị ngọt, ít tan trong nước. Được điều chế từ toluene, saccarit thương mại là tinh thể muối natri ngậm nước của saccarin, ngọt hơn đường 500 lần. Dùng thay cho đường khi có bệnh tiểu đường. Cơ thể không hấp thụ được saccarin.
CO
/ \
C6H4 NH
\ /
SO2
-Thần sa:
Là khoáng vật thủy ngân sunfua (HgS), nguyên liệu chủ yếu để sản xuất thủy ngân.
-Cholesterol:
Là một sterol chính có phổ biến trong mô người, động vật và một số thực vật, dưới dạng tự do hay este với axit béo mạch dài là chất cần thiết cho cơ thể ( thành phần của protein, huyết thanh, màng tế bào, chất tạo hoocmon giới tính, axit mật…) nhưng nếu có nhiều chelestrol trong máu sẽ tạo điều kiện cho chất béo giàu axit béo no bám vào thành trong của động mạch đến mức có thể ngăn máu không lưu thông.
-ADN
Là những axit nucleic và có phần tử khối lên tới hàng chục triệu đvC (hay u). AND là thành phần chủ yếu của nhiễm sắc thể trong nhân tế bào của phần lớn sinh vật, có vai trò quyết định những đặc trưng di truyền bằng cách điều chỉnh sự tổng hợp protein trong tế bào.
-Cồn khô:
Ở các nhà hàng thường dùng các loại cồn khô để đốt thay cho bếp ga khi ăn các món lẩu. Đó là cồn được cho vào một chất hút dịch thể, loại bột này hiện được sản xuất vì nhiều mục đích khác nhau: cho vào tã lót, cho vào chất chống trạng thái hạn hán kéo dài, cho vào cồn… ví dụ chất norsocryl của hãng Snow Business có thể biến một lượng dung dịch có trọng lượng lớn hơn chất này tới 500 lần thành chất khô.
-Cloramin:
Là chất NH2Cl và NHCl2. Khi hòa tan cloramin vào trong nước sẽ giải phóng ra clo. Clo tác dụng với nước tạo thành HOCl:
Cl2 + H2O → HOCl + HCl.
HOCl có phần tử rất nhỏ, dễ hấp thụ trên màng sinh học của vi sinh vật, phá hủy protein của màng, thay đổi áp suất thẩm thấu của tế bào và làm chết vi khuẩn, nấm, HOCl có tính oxi hóa rất mạnh nên phá hoại hoạt tính một số enzim trong vi sinh vật, gây chết cho vi sinh vật. Cloramin không gây độc hại cho người dùng nước đã được khử trùng bằng chất này.
-Bột giặt:
Là hỗn hợp dạng bột, xốp bao gồm chất tẩy rửa tổng hợp, chất hoạt động bề mặt cao (ví dụ natri đoxylbenzen sunfonat), sô đa, các phụ gia (tripoliphotphat, cacboximetyl xenlulozơ) chất tẩy trắng, chất thơm…
-Bột tẩy:
Là clorua vôi Ca(OCl)2.CaCl2.8H2O, hoặc biểu diễn thành phần chính là CaOCl2. Chất bột trắng mùi Clo, phân hủy trong nước và trong axit, điều chế bằng cách cho clo tác dụng với vôi tôi:
2Ca(OH)2 + 2Cl2 → Ca(OCl)2 + CaCl2 + 2H2O
-Nước cường toan:
Là hỗn hợp gồm một thể tích dung dịch axit nitric đặc và 3 thể tích dung dịch axit clohydric đặc. Có tính oxi hóa mạnh, hòa tan được vàng, bạch kim và hợp kim không tan trong các dung dịch axit vô cơ thông thường.
-Nước đá khô:
Là cacbon đioxit CO2 ở dạng rắn, khí bay hơi thu nhiệt rất lớn, làm hạ nhiệt độ của môi trường xung quanh. Dùng bảo quản thực phẩm khi chuyển đi xa.
-Dầu chuối:
Là este của axit axetic và rượu iso-amylie. Dầu chuối có công thức CH3COOC5H11.
-Nước Boócđô:
Là hỗn hợp dung dịch đồng sunfat và sữa vôi, dùng làm chất diệt nấm cho cây trồng, nhất là cho cà chua, nho (chữa bệnh xoắn lá do nấm).